Hướng dẫn cách kiểm tra và hiệu chuẩn Micropipette

Hướng dẫn cách kiểm tra và hiệu chuẩn Pipet bán tự động ( Micropipette )

Trong các phòng thí nghiệm, dụng cụ hút mẫu hay còn gọi là pipet được xem là dụng cụ không thể thiếu, luôn cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về dụng cụ hút mẫu bán tự động hay còn gọi là micropipette, về khái niệm và hướng dẫn cách kiểm tra, hiệu chuẩn chúng.

MICROPIPETTE LÀ GÌ?

Micropipette là gì

Micropipette được hiểu là một dụng cụ dùng để hút xả một lượng mẫu chính xác từ nơi này đến nơi khác thường được dùng trong các phòng thí nghiệm hoá, sinh, hoá lý, sinh hoá, hoá dược, dược liệu,…

Micropipette gồm có:

  • Pipet thủ công
  • Pipet điện tử
  • Pipet thuỷ tinh. Đây cũng là một dạng để hút mẫu nhưng có cấu tạo thô sơ, không có độ chính xác như 2 loại pipet còn lại

HƯỚNG DẪN CÁCH KIỂM TRA VÀ HIỆU CHUẨN MICROPIPETTE

Hướng dẫn cách kiểm tra micropipette

 

Kiểm tra micropipette

Để kiểm tra micropipette có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp như phương pháp tỉ trọng, phương pháp quang phổ, phương pháp miễn dịch hoặc dùng máy kiểm tra tự động. Trong đó, phương pháp thông dụng nhất hiện nay là phương pháp tỉ trọng. Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng cân chính xác để xác định trọng lượng của thể tích nước đã hút bằng micropipette từ đó xác định thể tích thực đã hút của pipet so với thể tích cài đặt.

Sau đây, Cholab sẽ hướng dẫn bạn cụ thể cách kiểm tra micropipette bằng phương pháp tỉ trọng:

Để kiểm tra bằng phương pháp này, cần xác định được yêu cầu để kiểm tra, cụ thể: 

  • Đối với micropipette điện tử có thể tích cố định thì cần kiểm tra 10 lần tại thể tích đó.
  • Đối với micropipette có thể thay đổi thể tích thì cần kiểm tra tại 3 điểm là điểm thể tích lớn nhất, điểm thể tích nhỏ nhất và điểm thể tích trung bình và tại mỗi điểm sẽ thực hiện 10 lần kiểm tra.

Các bước cần thực hiện để kiểm tra micropipette:

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ để kiểm tra. Các dụng cụ cần thiết bao gồm:

  • Nước cất 2 lần
  • Cốc có mỏ 50,100ml
  • Cân điện tử  4 số lẻ với độ chính xác 0,0001g dùng cho kiểm tra loại pipet có thể tích lớn hơn 100µl. Cân 5 số với độ chính xác 0,00001g dùng để kiểm tra pipet thể tích lớn hơn 10µl. Cân 6 số với độ chính xác 0,000001g dùng để kiểm tra thể tích nhỏ hơn hoặc bằng 10µl. Tuy nhiên, loại 6 số này rất ít phòng xét nghiệm có vì giá thành của nó rất cao nên thực tế để kiểm tra những loại pipet có thể tích nhỏ thường phải gửi đến 1 đơn vị kiểm tra độc lập.
  • Phòng có nhiệt độ ổn định (phòng có điều hòa nhiệt độ và cài đặt về nhiệt độ mong muốn)
  • Nhiệt kế chuẩn (dùng để đo nhiệt độ của nước)

Bước 2: Tiến hành đặt toàn bộ dụng cụ thí nghiệm, nước, nhiệt kế vào phòng để ổn định nhiệt độ khoảng 30 phút trước khi tiến hành.

Bước 3: Tiến hành kiểm tra như sau:

  • Vặn núm điều chỉnh thể tích pipet về thể tích cần kiểm tra.
  • Lấy 1 cốc có mỏ 50ml, thêm 5ml nước cất vào, đặt lên cân và điều chỉnh giá trị cân về “O”.
  • Gắn đầu côn vào pipet, tráng đầu côn 3 lần bằng nước cất.
  • Hút nước cất bằng pipet sau đó thả vào cốc có mỏ trên cân phân tích. Ghi khối lượng mà cân xác định.
  • Tiến hành làm tương tự 10 lần và ghi chép kết quả mỗi lần kiểm tra

Bước 4: Sau khi có kết quả của 10 lần kiểm tra, tiến hành tính toán để xác định độ chụm và độ đúng

  • Kiểm tra độ chụm: Độ chụm được tính toán bằng giá trị trung bình của 10 lần đo sau đó tính độ lệch chuẩn tương đối RSD% (hay CV%). Độ lệch chuẩn tương đối này phải không lớn hơn các giá trị trong bảng dưới đây:

Với loại pipet cố định thể tích:

Loại pipet – µl Độ chụm – CV%
10 < 0,5
25 < 0,3
50 < 0,3
100 < 0,2
200 ≤ 0,2
500 ≤ 0,2
1000 ≤ 0,2

Với loại pipet thay đổi thể tích:

Loại pipet – μl Điểm thể tích – μl Độ chụm – CV %
1-10 1 ≤ 2,8
1-10 5 ≤ 0,8
1-10 10 ≤0,4
2-20 2 ≤ 1,5
2-20 10 ≤ 0,6
2-20 20 ≤0,3
5-50 5 ≤ 1,5
5-50 25 ≤ 0,3
5-50 50 ≤ 0,3
10-100 10 ≤ 0,7
10-100 50 ≤ 0,3
10-100 100 ≤ 0,2
20-200 20 ≤ 0,7
20-200 100 ≤ 0,3
20-200 200 ≤ 0,2
100-1000 100 ≤ 0,4
100-1000 500 ≤ 0,3
100-1000 1000 ≤ 0,2
  • Kiểm tra độ đúng: Trước khi kiểm tra độ đúng cần xác định thể tích thực của pipet bằng cách chuyển đổi từ khối lượng đã cân được theo công thức: V= m/D. Trong đó V là thể tích thực cần xác định, m là khối lượng nước đã cân được, D là tỉ trọng của nước  ở điều kiện nhiệt độ đo và áp suất 1atm. Mỗi nhiệt độ khác nhau nước sẽ có tỉ trọng khác nhau, tương ứng theo bảng dưới đây:
Nhiệt độ (°C) Tỷ trọng (mg/ µl)
0,0 0,9998425
4,0 0,9999750
10,0 0,9997026
15,0 0,9991026
17,0 0,9987779
20,0 0,9982071
25,0 0,9970479
37,0 0,9933316
100 0,95803665

Sau khi đã xác định được thể tích chính xác mỗi lần cân tại nhiệt độ tương ứng, tiến hành tính toán độ đúng theo công thức: Độ đúng (%) = (V-Vo)/Vo x 100. Trong đó: V là thể tích thực tính được và Vo là thể tích theo lý thuyết

Sau khi có kết quả độ đúng, tiến hành đối chiếu kết quả xem độ đúng của pipet có đạt không theo bảng sau:

Với loại pipet có thể tích cố định:

Loại micropipet – μl Độ đúng – %
10 ±1,2
25 ±1,0
50 ±0,7
100 ±0,6
200 ±0,6
500 ±0,6
1000 ±0,6

Với loại pipet không cố định thể tích:

Loại pipet- μl Điểm thể tích-μl Độ đúng – %
0,5-10 1 ±5,0
0,5-10 5 ±2,5
0,5-10 10 ±1,5
2-20 2 ±5,0
2-20 10 ±1,0
2-20 20 ±0,8
5-50 5 ±2,5
5-50 25 ±0,7
5-50 50 ±0,7
10-100 10 ±2,5
10-100 50 ±0,8
10-100 100 ±0,8
20-200 20 ±2,5
20-200 100 ±1,0
20-200 200 ±0,6
100-1000 100 ±2,0
100-1000 500 ±1,0
100-1000 1000 ±0,6

Hướng dẫn cách hiệu chuẩn micropipette

 

Hiệu chuẩn Micropipette

Mục đích của việc hiệu chuẩn là là nhằm kiểm chứng rằng pipet vẫn nằm trong yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất hoặc của ISO8655 để đưa ra kết quả chính xác. Các pipet ngoài khoảng sai số cho phép thường được bảo dưỡng, hiệu chỉnh và hiệu chuẩn lại.

Để hiệu chuẩn, cần các dụng cụ sau:

  • Tất cả các dụng cụ thủy tinh phải thuộc loại A.
  • Thuốc thử
  • Dung dịch NaOH 0,01 mol/l
  • Dung dịch P – nitrophenol 105 mg / định lượng

Thực hiện hiệu chuẩn micropipette theo các bước sau:

Bước 1: Hoà tan 105 mg p – nitrophenol tinh khiết NIST SRM trong nước khử ion và định mức thành 100 ml bằng bình định mức chuẩn.

Bước 2: Pha dung dịch đối chiếu và dung dịch thử theo hướng dẫn sau:

  • Dung dịch đối chiếu:chuẩn bị 3 bình định mức có chứa 250 ml NaOH 0,01 mol/l,thêm vào mỗi bình 1 ml p – nitrophenol bằng 3 pipet riêng chuẩn riêng biệt
  • Dung dịch thử:chuẩn bị 5 ống nghiệm chứa 2,5 ml NaOH 0,01 mol / l, thêm vào mỗi ống 10μl dung dịch p – nitrophenol dùng micropipet cần hiệu chỉnh.Nếu pipet là loại TD (to-deliver) thì phải tráng pipet với p – nitrophenol.
  • Đọ độ hấp thu của dung dịch đối chiếu và dung dịch thử trên máy quang phổ kế phổ hẹp (UV VIS) sử dụng cốc đo bằng thạch anh 10 mm, bước sóng 401 nm.
  • Đối với p – nitrophenol NIST SRM 131,48 l x g-1x cm-1 trong NaOH 0,01 mol / l thì A401= 0,550.
  • Độ hấp thu trung bình của 3 dung dịch đối chiếu A1phải xấp xỉ 0,550.
  • Độ hấp thu trung bình của 5 dung dịch thử là A2.
  • Tính toán: Thể tích thực (μl) = A2 x D x V /A1

Trong đó:

  • D = độ pha loãng của dd thử (1/251 = 250 ml cồn + 1 ml p – nitrophenol)
  • V = thể tích (μl) của dd thử (2510 = 2,5 ml NaOH + 10 μl p – nitrophenol)
  • Nếu A1 = 0,550; A2 = 0,561
  • Thế tích thực = (0,561/0,550) x (1/250) x 2510 = 10,2 μl
  • Sai số = (10,2 – 10) x 100/10 = 2%

Thông thường sai số nằm trong khoảng từ 0,5% đến 1,0% là sai số ở mức chấp nhận được.

Qua bài viết này, Cholab đã chia sẽ cụ thể đến bạn cách kiểm tra cũng như hiệu chuẩn Micropipet, hy vọng bạn có thể vận dụng tốt các kiến thức này vào việc sử dụng Micropipette hoặc cho các mục đích nghiên cứu khác. Bên cạnh đó, Cholab cũng hiện đang là địa chỉ uy tín cung cấp đầy đủ các loại Micropipette với chất lượng đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng và giá cả cạnh tranh, dịch vụ chăm sóc khách hàng hấp dẫn. Nếu bạn có nhu cầu sử dụng những sản phẩm này thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được cung cấp nhé. Vui lòng liên hệ chúng tôi bằng các thông tin trên website hoặc để lại bình luận bên dưới bài viết này.